Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Văn hóa truyền thống

Trên địa bàn xã Cô Ngân có 2 dân tộc chủ yếu cùng nhau sinh sống là Tày, Nùng. Trải qua tiến trình lịch sử, nhân dân các dân tộc xã Cô Ngân đã đoàn kết trong lao động, sản xuất, kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm và không ngừng cùng nhau phát huy bản sắc văn hóa của miền quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng.

    Về trang phục, bộ trang phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không có thêu thùa, trang trí. Phụ nữ mặc áo dài đến nửa bắp chân và tay áo thon hẹp, hai đuôi thắt lưng dài gần bằng đuôi áo. Đàn ông mặc quần kiểu lá tọa, bổ đũng, dài tới mắt cá chân. Đối với dân tộc Nùng, người phụ nữ Nùng thường mặc áo năm thân và cài một hàng cúc bằng nút vải phía bên nách phải; nam, nữ mặc quần nhuộm chàm, cạp to, ống rộng, dài tới mắt cá chân. Thầy tào mặc áo cà sa dài rộng, trên áo thêu những hình chim, muông thú có nhiều màu sắc sặc sỡ; còn ông bụt cũng mặc áo màu sắc, nhưng phổ biến nhất là đầu quấn khăn hồng và đội mũ khi hành lễ, xếp ba lớp vải khác màu chồng lên nhau, phía trên trán có nhiều tua vàng nhỏ, phía sau nối với một tấm vải đủ để che lưng.

    Về nhà ở cũng là một nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào các dân tộc xã Cô Ngân. Theo truyền thống trước đây của đồng bào, việc làm nhà cửa là dịp tương trợ nhau trong làng bản. Tùy theo nhu cầu, mục đích sử dụng mà mỗi tộc người lại có kiến trúc nhà ở khác nhau. Ngôi nhà truyền thống của đồng bào Tày, Nùng trong vùng là nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói máng hoặc lợp tranh ven xung quanh trát vách hoặc ốp nứa, cót. Nhà thường dựng tập trung theo bản và đa số theo hướng đông nam.

     Hiện nay, do tác động của xu thế mở cửa và phát triển hội nhập, đồng bào có điều kiện giao thương, buôn bán nên đời 20 21 sống kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Vì vậy ở xã Cô Ngân, đồng bào dần dần chuyển sang xây nhà kiên cố hóa giống như nhà ở của người Kinh để thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày nên nhìn chung về nhà cửa truyền thống hiện nay đang có xu hướng bị mai một dần. Về tín ngưỡng, người Tày, Nùng ở Cô Ngân từ xưa đến nay vẫn có truyền thống thờ cúng tổ tiên. Bàn thờ của dân tộc Tày phần lớn đặt ở gian giữa, còn người Nùng phần lớn đặt ở gian ngoài. Bên cạnh bàn thờ tổ tiên còn đặt một bàn thờ nhỏ để thờ phúc mẫu (thán va). Ngoài ra, đồng bào còn có tập tục thờ cúng thổ công vào những ngày tết Nguyên đán, ngày 2 tháng Giêng (âm lịch), ngày 3/3 (âm lịch), ngày 6/6 và ngày 14/7 hàng năm, nơi thờ thổ công là một ngôi miếu nhỏ. Ngoài những ngày lễ, tết thì những gia đình có việc đều cúng lễ thổ công. Nhân dân quan niệm thổ công bảo vệ làng, bản, từ con người đến mùa màng, gia súc, gia cầm. Đối với người Nùng, Tày ở Cô Ngân, phong tục hôn nhân là vốn truyền thống văn hóa cổ truyền đặc sắc. Đó là lễ so lá số, lễ dạm hỏi, lễ mừng hạp lá số, lễ ăn hỏi lần đầu, lễ ăn hỏi lần hai. Lễ cưới còn có các tập tục như vải khô ướt cho mẹ, phong bao tiền bằng giấy đỏ cho em, cháu, tục đóng cửa, trải chiếu ngược. Việc đón dâu cũng được tổ chức đơn giản, chỉ có một ông, một bà và 2 cô gái là được. Riêng đối với dân tộc Tày, ông đón dâu được gọi là ông quan lang, thay mặt cho họ nhà trai đến làm các thủ tục cần thiết. Khi đi đón dâu ông quan lang thường gặp bên nhà gái đóng cửa, đặt chổi ngang lối vào, trải chiếu mặt trái, những trường hợp này ông quan lang phải có những bài then giải đúng thì nhà gái mới dẹp bỏ và ông quan lang mới được ngồi. Đoàn nhà gái khi đi đưa dâu phải có một ông quan lang, một bà dì và sáu hoặc tám cô gái. Cô dâu, chú rể phải trình tổ tiên, bái lạy tổ tiên, mời trầu, thuốc lá, kẹo, rượu. Chú rể mời bên nhà gái, cô dâu mời bên nhà trai. Ngoài ra cô dâu còn thêm khăn mặt để mời ông, bà, người được mời khăn mặt mừng lại cô dâu bằng tiền và bỏ ngay vào chậu trước mặt.

    Trong việc tang lễ, người Tày, Nùng thường mời thầy tào đến nhập quan và làm lễ báo hiếu. Nhiều gia đình còn mời cả thầy phường đến tham gia làm lễ báo hiếu (người Tày), còn dân tộc Nùng thì mời đến thổi kèn. Con cái đội khăn trắng, mặc áo trắng đến 100 ngày. Được 100 ngày làm giỗ nhuộm khăn xanh. Tang người nữ phải để sau 3 năm và tang người nam phải sau hai năm rưỡi mới được làm lễ mãn tang. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, việc tổ chức đám ma thường để 10 ngày, lợn cúng bái mổ 4-5 con, thì sau năm 1945, thực hiện nếp sống văn hóa mới của Nhà nước, đám ma giảm xuống còn 3-5 ngày, lợn cúng bái cũng đã giảm bớt còn 1-2 con. Ngày nay, thực hiện nếp sống văn hóa mới, một số thủ tục đã được xóa bỏ, nhưng những nét chính về cơ bản vẫn được nhân dân các dân tộc Cô Ngân gìn giữ. 22 23 Các ngày lễ hàng năm đa dạng phong phú (lễ đầy tháng, lễ mừng thọ, lễ mừng nhà mới…), qua đây thể hiện rõ nét một số đặc trưng về phong tục, tập quán, đời sống tâm linh của nhân dân các dân tộc Cô Ngân.

    Lễ đầy tháng: Ở Cô Ngân từ xa xưa tới ngày nay, đồng bào không tổ chức mừng ngày sinh nhật, chỉ có truyền thống tổ chức mừng đầy tháng cho trẻ đầu lòng. Các nghi lễ bao gồm: mời thầy mo, thầy bụt đến nhà để cầu khẩn báo tổ tiên phúc đức phù hộ cho cháu bé, đồng thời bên nhà ngoại cháu bé mang đến một cái địu, nôi để hàng ngày ru cháu và lập một bàn thờ mẫu (thán va) để lo việc trông coi bảo vệ linh hồn cháu bé. Lễ mừng thọ: Ở Cô Ngân không có phong trào mừng thọ, chỉ có ít gia đình có điều kiện mới tổ chức mừng thọ tuổi 61, 73, 85. Gia đình mời thầy tào đến để tế lễ, cầu phúc, cầu thọ. Anh, em đến mừng thọ có gánh rượu, con gà; bạn bè, con cháu đến mừng thọ có bức trướng; con gái, con rể đến mừng thọ có lợn quay, xôi, bánh.

    Về văn hóa dân gian của địa phương, lễ hội có vai trò quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của vùng đất và con người nơi đây. Hàng năm, nhân dân tổ chức hội “Lồng tồng” làm lễ xuống đồng đầu xuân vào tháng Giêng âm lịch như ở Bản Rạc ngày 10, Bản Nhôn ngày 11, Bản Nha ngày 12 và Bản Khúa ngày 13. Ngày hội có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian như: hát giao duyên, tung còn, đánh yến, múa kỳ lân… thu hút sự tham gia của đông đảo người dân tham dự, giúp người dân quên đi những mệt mỏi của năm cũ, hăng hái lao động để đón chào một năm mới nhiều niềm vui, thắng lợi mới. Các dân tộc Tày, Nùng ở Cô Ngân cũng có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú, đủ các thể loại thơ, ca, các truyện cổ tích, múa nhạc... Những truyện kể dân gian, những làn điệu hát then, sli, những câu hát lượn và trò chơi dân gian được lưu truyền từ đời này qua đời khác đã phản ánh cuộc sống tinh thần phong phú, đa dạng của đồng bào. Cùng với đó, những tri thức dân gian của đồng bào các dân tộc xã Cô Ngân rất phong phú, bao gồm những kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, khai thác rừng, những bài thuốc dân gian gia truyền vẫn được duy trì và có ý nghĩa nhất định trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, cùng với đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, nhân dân các dân tộc xã Cô Ngân cũng đã tạo nên các truyền thống quý báu trong lao động, sản xuất và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đó là những truyền thống quý báu mà thế hệ ngày hôm nay luôn nâng niu, giữ gìn, phát huy, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Cô Ngân viết tiếp những trang sử đẹp của quê hương.

    Truyền thống cần cù trong lao động sản xuất Từ bao đời nay, nhân dân xã Cô Ngân vẫn lưu giữ và phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo để sản xuất ra của cải vật chất, sản xuất lương thực phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng đất nước; thể hiện trong học tập, vận dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào công cuộc xây dựng quê hương. 24 25 Với đức tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo, từ thời xa xưa, đồng bào các dân tộc đã xây dựng nên những công trình thủy lợi để dẫn nước vào đồng ruộng. Đó là hệ thống phai đập, mương máng, những chiếc guồng đặt trên các khe suối, lạch… Cũng như người Kinh ở miền xuôi, kỹ thuận canh tác và nông cụ của đồng bào các dân tộc khá hoàn chỉnh. Từ xa xưa, người nông dân các dân tộc đã biết chế tác ra các loại nông cụ như cày, bừa, cuốc, dao… cho đến các loại súng, nỏ để săn bắn thú rừng. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất vẫn tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Đó là giá trị tinh thần to lớn, trở thành sức mạnh và động lực thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân xã Cô Ngân đoàn kết, chung sức chung lòng vượt qua những khó khăn, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng ổn định, phát triển.

    Truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm Để có được cuộc sống bình yên, xây dựng quê hương như ngày hôm nay, nhân dân xã Cô Ngân qua các thế hệ nối tiếp nhau, cùng nhân dân trong huyện, trong tỉnh và cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng, phát triển và hun đúc thành truyền thống quý báu của người dân nơi đây. Nhân dân xã Cô Ngân ngày nay rất tự hào về tinh thần yêu nước chống ngoại xâm rất lâu đời, ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước của những lớp người khai phá, xây dựng và bảo vệ mảnh đất này. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII ở Cô Ngân cũng như các xã biên giới của huyện Hạ Lang thường bị các nhóm thổ phỉ từ Trung Quốc sang cướp bóc, đốt phá... làm cho đời sống nhân dân hết sức cực khổ, nơm nớp lo sợ. Vượt lên trên mọi khó khăn, nhân dân các dân tộc Cô Ngân nói riêng và các xã biên giới nói chung đã đoàn kết nhất tề đứng dậy dùng giáo mác, gậy gộc... đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ bản, làng, quê hương. Ngày 01-9-1858 thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, chính thức xâm lược Việt Nam. Dưới ách đô hộ, thống trị của thực dân phong kiến, đại đa số người dân Cô Ngân đều ý thức được cuộc sống nghèo đói, khổ cực nên đã hăng hái đứng lên đấu tranh. Khi thực dân Pháp đánh chiếm Cao Bằng (ngày 27-10-1886), dưới sự lãnh đạo của Mã Quốc Anh và các quan chức yêu nước địa phương, nhân dân các dân tộc Hạ Lang, trong đó có nhân dân Cô Ngân đã không cam chịu làm nô lệ, cùng với nhân dân cả tỉnh đứng lên chiến đấu quyết tâm bảo vệ quê hương. Mặc dù cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng đã gây ra cho thực dân Pháp nhiều khó khăn, tổn thất. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thống yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhân dân Cô Ngân cùng nhân dân cả nước đã làm nên thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, truyền thống bất khuất, kiên cường đó ngày càng được hun đúc, tôi 26 27 luyện.

    Với lòng yêu nước, căm thù giặc, nhân dân các xóm làng ra sức ủng hộ, giúp đỡ các đội nghĩa quân về cả tinh thần lẫn vật chất. Người dân xã Cô Ngân đã hết lòng nuôi giấu, che chở, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ cách mạng trước sự lùng sục, càn quét khủng bố của quân địch. Nhờ đó, công tác giao liên, vận chuyển tài liệu được dễ dàng, tạo điều kiện tốt nhất để các đồng chí yên tâm công tác. Cán bộ và nhân dân xã Cô Ngân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho nhiều đơn vị đến đóng quân và làm nhiệm vụ. Nhiều thanh niên của xã Cô Ngân đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình nguyện lên đường chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc nhiều người con Cô Ngân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh một phần xương máu của mình để bảo vệ chủ quyền của đất nước.

    Truyền thống đoàn kết đấu tranh trong sản xuất, đoàn kết chiến đấu chống giặc ngoại xâm lâu đời, sâu sắc, là sức mạnh tinh thần vô giá của nhân dân địa phương. Truyền thống đó được gìn giữ, phát huy theo bề dày của lịch sử xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Truyền thống ấy được nâng lên và phát huy cao độ thành truyền thống cách mạng kiên cường khi được ánh sáng cách mạng của Đảng soi đường dẫn dắt. Tinh thần yêu nước, yêu quê hương kết hợp với niềm tin ở chủ nghĩa cộng sản của nhân dân, trở thành sức mạnh to lớn giúp Đảng bộ và nhân dân Cô Ngân giành được những thắng lợi vẻ vang, viết tiếp những trang sử rạng rỡ trong các giai đoạn, các thời kỳ đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Như vậy, lịch sử của vùng đất xã Cô Ngân là lịch sử của quá trình đấu tranh gian khổ, anh dũng, lâu dài với thiên nhiên và với mọi thế lực thù địch để tồn tại và phát triển. Tiến trình ấy đã hun đúc cho đồng bào các dân tộc xã Cô Ngân những truyền thống quý báu như cần cù, sáng tạo trong lao động; tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em; tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc và tinh thần đấu tranh anh dũng bất khuất trước mọi kẻ thù. Truyền thống quý báu ấy đã được phát huy và phát triển từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng ý chí độc lập, tinh thần tự cường dân tộc, nhân dân các dân tộc xã Cô Ngân đã và đang gìn giữ, phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa đặc sắc, truyền thống đấu tranh anh hùng kiên cường, bất khuất, góp phần vào sự phát triển chung của huyện Hạ Lang nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung.

Nông Thị Nga - Văn hóa xã hội
Tin khác
Tin tức
Đăng nhập